Ông Trương Minh Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau
|
Ông Trương Minh Hoàng. Năm 2011, là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, cũng là năm đầu của Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Với nhiệm vụ là Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tôi ý thức được trách nhiệm của người đại biểu với cử tri. Nên trong năm 2011 tôi đã cùng với tập thể Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thực hiện tốt Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH, các Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ Cà Mau. Đồng thời, bám sát nội dung chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, tập thể Đoàn khắc phục những khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, tự chủ, tích cực tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ cũng cố bộ máy giúp việc cho Đoàn tin gọn, hiệu quả; thực hiện tốt chức năng lập pháp; tham gia tích cực các hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát các báo cáo tại mỗi kỳ họp của Quốc hội và đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri trong năm qua được đông đảo bà con cử tri cũng như cán bộ tỉnh nhà đánh giá cao.
BTV. Xin ông cho biết kết quả tham gia đóng góp xây dựng các dự án luật trong năm 2011 của Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.
Ông Trương Minh Hoàng. Xác định công tác xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đã tích cực nghiên cứu và có ý kiến đóng góp vào các dự án luật được thông qua, cũng như các dự án luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, đồng thời nghiên cứu đóng góp ý kiến trực tiếp vào 5 dự án luật trước kỳ họp thứ hai.
Ngoài việc nghiên cứu tham gia các dự án luật tại Đoàn, các đại biểu còn tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, Hội nghị trực tuyến do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức.
BTV. Còn về hoạt động giám sát thưa ông?
Ông Trương Minh Hoàng. Vì là năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội, nên trong năm qua Đoàn ĐBQH không có kế hoạch giám sát riêng cho Đoàn mà tham gia giám sát với Thường trực HĐND, các Ban Hội đồng nhân dân và các Ủy ban, Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội được 9 cuộc, với 9 chuyên đề khảo sát, giám sát trên một số lĩnh vực quan trọng.
Theo quy định là sau giám sát Đoàn giám sát có kết luận và kiến nghị một số vấn đề mà cơ quan chịu giám sát phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện, nhưng nhiều kiến nghị của đoàn giám sát trong thời gian qua chưa được cơ quan chịu giám sát thực hiện. Năm 2012, những kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đối với cơ quan chịu giám sát là sau 30 ngày Đoàn giám sát sẽ phúc tra lại việc tổ chức thực hiện những kiến nghị của Đoàn, nếu chưa thực hiện Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục kiến nghị đến cơ quan lãnh đạo trực tiếp của cơ quan chịu giám sát để có ý kiến chỉ đạo thực hiện. Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ theo dõi suốt quá trình thực hiện kiến nghị của Đoàn đến khi nào cơ quan chịu giám sát tổ chức thực hiện xong mới hết nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện đó.
BTV. Xin ông cho biết về hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân trong năm 2011 của Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau và hướng đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri?
Ông Trương Minh Hoàng. Trong năm 2011, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và HĐND, UBND các huyện, thành phố Cà Mau đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 36 điểm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, có 2.800 lượt cử tri tham dự, tất cả các ý kiến của cử tri đã được tổng hợp đầy đủ, kịp thời gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố để giải quyết và trả lời cho cử tri, hầu hết các ý kiến của cử tri đều được các cấp các ngành giải quyết thỏa đáng.
Thực hiện Nghị quyết 228 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp công dân hàng ngày tại trụ sở Đoàn và ít nhất 01 ngày/tuần Đoàn phân công 01 đại biểu Quốc hội trong Đoàn trực tiếp tiếp công dân. Trong thời điểm Đoàn không dự họp Quốc hội. Ngoài ra Đoàn còn tổ chức nhiều cuộc họp để nghe các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện báo cáo kết quả giải quyết những ý kiến kiến nghị của cử tri. Đồng thời Đoàn còn phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tiếp công dân tại UBND xã để ghi nhận những ý kiến kiến nghị của cử tri sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri.
Bên cạnh đó hoạt động tiếp xúc cử tri được tiếp tục đổi mới, trước kỳ họp thứ hai, ngoài việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo thường lệ trên địa bàn 9 huyện, thành phố, Đoàn còn tổ chức tiếp xúc theo đối tượng cử tri được 3 cuộc.
Trong năm 2012, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn. Trước ngày tiếp Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ thông báo để nhân dân biết đến dự. Đồng thời, Đoàn vẫn duy trì tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội và sẽ tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề. Sau mỗi lần tiếp công dân cũng như tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội sẽ có buổi làm việc trực tiếp hoặc ký văn bản gửi lãnh đạo cấp xã, huyện và các sở, ban, ngành có liên quan để xem xét, đánh giá, phân loại những ý kiến, kiến nghị của cử tri để có trách nhiệm giải quyết đúng thẩm quyền, đúng nội dung những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri đặt ra và thời gian giải quyết phải đúng với quy định của pháp luật.
BTV. Xin ông cho biết ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chính nêu trên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau còn tham gia các hoạt động nào khác?
Ông Trương Minh Hoàng. Ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Đoàn ĐBQH đã tích cực vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ tổng số tiền trên 750 triệu đồng xây dựng 06 cây cầu giao thông nông thôn, 500 m2 đường bê tông, xây 4 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại các xã vùng sâu của tỉnh Cà Mau, trang bị máy vi tính cho 03 trường phổ thông, cấp 20 suất học bổng cho học sinh Trường Dân tộc nội trú mỗi suất 250.000đ, đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình nhận tài trợ “dài hơi” về chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, trong dịp tết Nguyên đáng Nhâm Thìn năm 2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã vận động thêm 01 số phần quà tặng thêm cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, bà con nghèo và một số đơn vị lực lượng vũ trang.
Tuy số tiền vận động không lớn, nhưng cũng đã góp phần cùng với tỉnh Cà Mau sở gỡ những khó khăn của bà con cử tri cũng như việc giảng dạy và học tập của thầy và trò tỉnh nhà.
Xin cám ơn ông!
Trần Thanh Nhàn